Máy hát đĩa than cổ - thú chơi tao nhã của những Audiophile
Nói đến những bản nhạc cổ điển, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới các thiết bị phục vụ cho thú chơi âm thanh Analog như đầu đĩa than. Ngày mà công nghệ Digital chưa phát triển, thứ âm thanh mộc mạc này được coi là nguồn năng lượng đích thực cho những người yêu âm nhạc.
Nét hoài cổ mộc mạc
Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, thời điểm này Hà Nội đã có rất nhiều quán cà phê ngon nổi tiếng nhưng những người sành nhạc cổ lại chỉ thích đến nơi nào có máy quay đĩa, mục đích chính là để thỏa mãn đam mê nghe nhạc. Khi đó, phần lớn máy hát đĩa cổ có nguồn gốc từ Liên Xô và các đĩa hát chủ yếu là của nước ngoài. Nổi tiếng thời đó là đĩa của ca sỹ người Ý - Robertino với loạt bài hát một thời làm say mê các thanh niên Hà Nội như: Ave Maria, Torna A Suriento (Trở về Suriento), Mama, Santa Lucia, O sole Mio... hay đĩa của Elvis Presley, The Beattle, Elton John...
Nhiều quán cà phê sử dụng đầu đĩa than cổ để trang trí, tạo điểm nhấn cho không gian.
Đĩa than sử dụng kỹ thuật âm thanh Analog nên âm sắc rất chân thực trong khi âm thanh từ đĩa CD nghe nịnh tai vì kỹ thuật Digital cho phép họ có thể chỉnh sửa khiếm khuyết của âm thanh. Nghệ sĩ Tiến Đạt đã từng ví von: “âm thanh của đĩa CD giống như cô gái đã qua thẩm mỹ, còn âm thanh đĩa than giống như cô gái để mặt mộc”. Thực tế, những ca sĩ nổi tiếng thế giới khi làm đĩa than chỉ chọn những bài hay nhất trong số các bài họ đã hát. Do vậy nghe đĩa than là nghe sự tinh tế bậc nhất trong giọng hát của họ. Thêm nữa, đĩa than hầu như không bị làm giả.
Một đầu chạy đĩa than loại tốt sẽ tạo ra âm thanh lý tưởng với âm cao có độ nổi, âm trầm sâu lắng. Vị trí các nhạc cụ chơi trong dàn nhạc hiện lên rõ ràng, giọng hát ca sĩ cũng truyền cảm hơn. Điều này khiến cho âm thanh của Analog có nét đặc trưng riêng, thỏa mãn nỗi khao khát cho những ai đi tìm kiếm thứ âm nhạc nguyên thể.
Thú chơi lắm công phu
Trang bìa đĩa than của hãng Đĩa Than Hồng nổi tiếng một thời.
Ngày xưa, phải là gia đình thuộc diện khá giả mới có một chiếc máy hát đĩa than. Khi không nghe là trùm kín vải vì sợ bụi. Ngày đó, nhiều người chơi đĩa thường lấy miếng áo may ô cũ dệt từ sợi bông để lau đĩa hoặc bút vẽ loại mềm nhất làm chổi quét bụị. Cầu kỳ hơn nữa là đun nước nóng rồi đánh tan cục xà phòng, chờ nguội rồi cho đĩa vào rửa. Rửa xong thì xâu sợi chỉ qua lỗ đĩa rồi phơi trong nhà vì sợ phơi ở ngoài lại bám bụi.
Ngày nay, người sưu tầm đầu đĩa than cổ không còn tốn nhiều công sức để vệ sinh đĩa than nữa nhưng họ lại có những sáng tạo độc đáo hơn, tự “làm khó” thú chơi của mình. Họ tự lắp đầu đĩa hai hoặc ba tay cần thay vì một tay cần truyền thống. Mỗi tay cần có một thông số khác nhau, đòi hỏi người chơi phải linh hoạt giữa kinh nghiệm set-up cá nhân dựa trên tiêu chuẩn số liệu của hãng để tránh sai số lớn. Chính vì thế, có khi mất vài giờ đến vài ngày mới lắp được một tay cần.
Mạch ngầm chảy mãi với thời gian
Những năm gần đây, đĩa than rộn ràng trở lại và thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ.
Kỹ thuật số từ khi xuất hiện đã dần thay thế các công nghệ cũ bởi sự tiện dụng và tính tùy biến cao. Tuy nhiên ở lĩnh vực âm thanh, việc số hóa tín hiệu Analog lại không thể chính xác hoàn toàn. Nhiều người có thâm niên, đặc biệt là gắn bó với âm thanh từ thập niên 70 vẫn có thể nhận ra được sự thay đổi này.
Đầu đĩa than cổ đại diện cho một thời kỳ vàng son của công nghệ Analog, vẫn được số đông người nghe lâu năm trân trọng và công phu sưu tầm. Thú chơi đĩa than không chỉ mang lại cho những người đam một tiêu chuẩn âm thanh ở trình độ cao mà còn giúp họ giải tỏa được những căng thẳng trong thời đại công nghiệp hóa ngày nay. Giới nghệ sĩ đã đưa ra nhận định, sẽ có nhiều người chơi đĩa than hơn vì họ khát khao kiếm tìm sự trung thực và mộc mạc trong âm nhạc.
Trên thực tế, để sở hữu được một đầu đĩa than cổ không phải điều dễ dàng. Người chơi dòng máy này đòi hỏi phải có kiến thức sâu, có các mối quan hệ rộng trong giới sưu tầm và có nguồn lực tài chính dồi dào.
3 máy đĩa than cổ được giới Audiophile săn lùng hiện nay:
1. Máy hát loa kèn hiệu Victor - made in USA
Kiểu dáng rất phù hợp để trưng bày phòng khách, phòng nghe nhạc, quán cafe, nhà hàng…
Máy hát loa kèn Victor talking machine MS Brass Horn, phiên bản 2 nồi cót lớn, toàn thân là lớp gỗ sồi với thiết kế và kết cấu chắc chắn, chạm trổ gia công tỉ mỉ, các hoa văn đặc sắc và tinh tế.
Bộ máy 2 nồi cót cùng khung thép cường lực chắc chắn mang lại sức mạnh bền bỉ cho máy hát và các vòng quay mâm than ổn định êm ái. Máy hát sử dụng được tất cả các size đĩa đá từ 33 - 78 - 45cm vòng. Loa đồng to đường kính 55cm, chất đồng dày cho âm thanh to và sống động. Những âm sắc thập niên 1900s sẽ ùa về tràn ngập trong căn nhà của bạn.
2. Máy hát ống nhạc Edison Standard Phonograph
Loa kèn được thiết kế hình hoa rau muống truyền thống.
Máy hát ống nhạc Edison Stadard Phonograph, được sáng chế bởi Mr.Thomas Edison tại Mỹ năm 1896, là một trong những chiếc máy hát đầu tiên của thế giới. dòng máy Standard Phonograph là một tác phẩm tuyệt vời của thế kỷ 19 với loa kèn hoa rau muống truyền thống, kiểu dáng sang trọng và đẳng cấp. Máy chạy hai dòng ống nhạc 2 phút và 4 phút với đầu kim saphir và kim cương.
3. Máy hát loa kèn hiệu Columbia - made in USA
Thân máy liền với chân đôn cao phù hợp để trang trí cho không gian trở nên sang trọng.
Máy có cấu tạo 3 nồi cót lớn, toàn bộ thân máy, thùng bệ được chế tác từ gỗ sồi, chạm trổ hoa văn ba mặt. Kiểu dáng cổ điển toát lên vẻ sang trọng. Loa được làm từ đồng, mâm đĩa lớn cho phép hoạt động đĩa có kích thước 25cm và 30cm.