Chỉnh loa karaoke JBL tại nhà hiệu quả chỉ trong 5 phút
Bạn đang cần chỉnh loa Karaoke nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết về cách chỉnh echo/reverb/bass/treble kèm hình ảnh và video chi tiết.
1. 4 hiệu ứng BẮT BUỘC PHẢI BIẾT khi chỉnh loa
Bạn sẽ biết cách chỉnh được mọi chiếc loa karaoke khi hiểu được chỉnh xác công dụng và nguyên lý của 4 hiệu ứng echo, reverb, bass, treble.
- Echo (tiếng vang): khi tăng echo thì lời hát sẽ vang xa hơn, to hơn, trợ giọng. Nếu các bạn hát yếu, thì nên tăng thêm phần echo lên đến khi mình hát bé và nhẹ mà giọng vẫn rõ ràng là được. Lưu ý là cũng không nên tăng quá nhiều vì sẽ làm giọng hát của mình không còn chân thật.
- Reverb (tiếng vọng): Người hát hay, ca sĩ thì thường dùng reverb (echo tăng ít hoặc không dùng) vì reverb giúp giọng hát rõ hơn, giữ nguyên được sự chân thật của giọng hát ( mỗi ca sĩ đều có một giọng hát riêng và muốn loa phải thể hiện được chất giọng đấy)
- Bass (âm trầm): Được chia làm 2 phần. Thứ nhất là âm trầm, tiếng trống, tiếng bass của nhạc. Thứ 2 là âm trầm của giọng hát - thể hiện sự trầm ấm của giọng hát. Tăng âm trầm của lời hát thì giọng sẽ ấm hơn, dày hơn. Ngược lại, nếu giảm âm trầm của lời hát thì giọng sẽ mỏng và thiên sáng.
- Treble (cao âm): Cũng được chia làm 2 phần là cao âm của phần nhạc và cao âm của phần lời hát. Tăng âm treble thì tiếng nhạc và tiếng lời sẽ trong sáng hơn, vang tỏa xa hơn.
Tùy từng điều kiện về không gian, diện tích phòng, chất giọng của người hát cũng như thể loại nhạc mà các bạn chỉnh cho phù hợp. Tham khảo ngay phần tiếp theo để biết cách chỉnh chính xác cho từng trường hợp!
2. Cách chỉnh loa karaoke khi hát trong phòng có diện tích dưới 25m2
2.1. Vị trí đặt loa tốt nhất trong phòng dưới 25m2
Có sự khác biệt rất lớn khi chúng ta nghe trong nhà hay nghe ngoài trời, nghe trong phòng diện tích lớn hay nhỏ. Tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của loa. Vì thế, chúng ta cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây.
- Không đặt loa sát tường: Các dòng loa karaoke JBL thường có cổng thoát hơi phía sau. Nên các bạn phải để cách tường ít nhất 30 cm để tránh hiện tượng ù rền.
- Đặt loa đối diện với người hát: Điều này vừa giúp chúng ta ngồi đúng "điểm ngọt" (vị trí ngồi tốt nhất để nghe) vừa giúp tránh tình trạng cộng hưởng từ micro vào loa.
- Không cần tăng bass: Loa karaoke JBL có công suất từ 150W đến 1000W (như mẫu loa JBL PRX ONE) nên ở phòng nhỏ thì các bạn giảm âm bass xuống đối với các dòng loa JBL EON Series hoặc tắt tính năng Bass Boots đối với các dòng loa Partybox. Các bạn hãy tự cảm nhận, khi âm trầm lực nhất, sâu nhất mà không có tiếng ù hay có đuôi âm bass khó chịu là đã đạt yêu cầu.
2.2. Chỉnh bass/treble cho phần nhạc
Sau khi đã chỉnh bass/treble theo không gian sử dụng, các bạn cũng có thể tùy chỉnh theo thể loại mà các bạn đang hát.
- Khi đang thể hiện các bài nhạc sôi động, remix thì chắc chắn nên tăng thêm 1 -2 level dải trầm (dải bass) ở phần nhạc.
- Còn đối với các thể loại nhạc nhẹ, acoustic thì nên giảm âm trầm đi để phần lời hát, giọng ca sĩ cũng như tiếng nhạc cụ được rõ ràng và tình cảm hơn.
- Các dòng loa kéo JBL Partybox thường có thêm nút bass boost (3 mức độ) để tăng âm trầm rất đơn giản và nhanh chóng. Các bạn chỉ cần ấn nút trực tiếp trên loa là có thể điều chỉnh được âm thanh như ý.
2.3. 5 mẹo chỉnh echo/reverb/bass/treble cho phần lời hát
Đây là phần quan trọng nhất, quyết định đến việc hát karaoke có hay hay không. Vì chất giọng của mỗi người hay của nam và nữ là khác nhau nên không có một công thức cụ thể nào là chỉnh đúng. Dưới đây là 5 mẹo chỉnh micro cho loa karaoke mà bạn nên biết
-
Hát yếu thì tăng phần echo và không cần dùng reverb. Đây giống như là một hình thức "trợ giọng", bạn chỉ cần hát nhỏ thì âm thanh vẫn lớn và vang xa nên giúp bạn xử lý những nốt cao một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu tăng quá nhiều thì lời hát sẽ mất tự nhiên và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hú rít (phần tiếp theo sẽ là cách hạn chế tối đa tình trạng hú rít).
- Hát hay thì tăng 1 chút echo và dùng chủ yếu reverb. Reverb sẽ giữ nguyên chất giọng đặc trưng và các chi tiết, kĩ thuật mà bạn muốn thể hiện trước mọi người.
- Giọng nam thường trầm ấm, vì thế nên tăng treble và giảm âm bass để giọng hát cân bằng hơn. Tùy vào từng loại micro khác nhau, sau khi các bạn để các thông số ở mức cân bằng thì hãy bắt đầu chỉnh âm bass, treble cho phù hợp.
- Giọng nữ thường thiên sáng, vì thế nên giảm treble và tăng âm bass để đỡ trói gắt.
- Thực tế khi sử dụng, các bạn phải biết được giọng hát của mình như thế nào, trình độ ca hát của mình đến đâu, giọng hát của mình thiên sáng hay thiên âm để điều chỉnh cho phù hợp
3. Cách chỉnh loa karaoke khi hát trong phòng có diện tích trên 30m2
Vị trí đặt loa ở phòng trên 30m2 cũng giống như ở phòng diện tích nhỏ. Các bạn để cách tường một khoảng ít nhất 30cm và loa hướng thẳng về người nghe là tốt nhất
Đối với phòng có diện tích lớn hoặc thông thủy, các bạn nên tăng thêm âm bass ở phần nhạc hoặc bật tính năng Bass Boots đối với dòng Partybox. Điều này sẽ giúp âm trầm giữ được uy lực và lan tỏa đều khắp không gian phòng.
Việc chỉnh chi tiết tăng âm bass lên bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào diện tích cụ thể cũng như cách bố trí đồ đạc trong phòng. Các bạn hãy để âm bass ở mức cân bằng (mức 0) rồi tăng dần đến khi âm bass như mong muốn mà không có tiếng ù là đạt yêu cầu.
Cách chỉnh echo,bass,treble, reverb cho phần lời hát cũng tương tự như chỉnh cho phòng diện tích dưới 25m2 và có thể áp dụng cho mọi không gian khác nhau.
4. Cách chỉnh loa karaoke khi hát ở sân vườn, ngoài trời
Đối với các vị trí thông thoáng, nếu nhóm nhỏ dưới 5 người thì các bạn tăng âm bass tương tự để loa ở trong phòng lớn.
Nếu nhóm lớn trên 5 người và đặt loa ở xa vị trí người nghe trên 3m. Lúc đó, không chỉ tăng âm bass mà các bạn nên chú ý tăng thêm âm treble để âm vang xa, tỏa xa, rõ ràng hơn đến tất cả mọi người. Việc tăng âm treble chính xác là bao nhiêu thì các bạn phải tự cảm nhận ở các vị trí nghe, khi nào âm thanh rõ ràng mà không bị trói gắt là đạt yêu cầu.
Các bạn có thể tính đến phương án ghép nối 2 loa để âm thanh đạt hiệu suất tốt hơn khi nghe ngoài trời
5. Nguyên nhân và cách hạn chế tối đa tình trạng hú rít
Bình thường, micro chỉ nhận lời hát của chúng ta. Nhưng trong vài trường hợp, micro lại nhận cả tiếng từ loa phát ra và xảy ra vòng lặp vô hạn tạo thành tiếng hú rít.
Cách khắc phục tình trạng hú rít
- Không hướng thẳng micro vào loa
- Khi công suất không đủ, mọi người thường tăng độ nhạy (gain) của micro với hi vọng hát sẽ to hơn. Chính điều này sẽ làm xảy ra tình trạng hú rít. Tốt nhất, các bạn nên tăng dần nút âm lượng của micro đến khi nào loa bị hú rít thì dừng lại và giảm âm lượng xuống 1, 2 level là tốt nhất.
- Hú rít do phòng: mỗi căn phòng là một buồng âm khác nhau. Và cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng hú rít. Các bạn tránh để loa ở phòng quá nhỏ hay ngồi sát tường, sát vách kính cũng dễ gây ra hiện tượng này. Nếu bắt buộc, chúng ta hãy giảm echo và reverb cũng như âm lượng tổng xuống để có thể hạn chế hú rít.
6. Nghe nhiều và chỉnh nhiều
Không có gì bằng kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế. Các bạn hãy nghe nhiều, chỉnh nhiều và tự cảm nhận sự khác biệt từ các điều chỉnh nhỏ nhất cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.
Làm theo các bước trên, bạn có thể tự điều chỉnh các dòng loa karaoke, loa kéo JBL tại nhà như một chuyên gia để thể hiện hết mình những bài hát yêu thích cùng gia đình và bạn bè. Hãy nhớ đến ba phần chính là vị trí đặt loa, chỉnh phần nhạc và chỉnh phần lời để tận hưởng âm thanh hoàn hảo nhất.