Điện tử Linh Anh

Tìm hiểu về Bass, Mid, Treble trong âm thanh, và tại sao không nên chỉnh âm sắc quá nhiều cho dàn âm thanh

Khi nhắc đến âm thanh, nhất là nói về các loại loa, chúng ta hay nhắc tới các cụm từ loa Bass, Mid, Treble, hay loa trầm, loa trung và loa dải cao, vậy các từ này trong âm thanh có ý nghĩa như thế nào? và những dải tần số âm thanh này thể hiện các loại âm thanh trong bản nhạc như thế nào?

Trước khi tìm hiểu về ba trường âm này, chúng ta cần phải hiểu rõ âm thanh là gì?

Bản chất của âm thanh là các sóng dao động cơ học, là sự chuyển động của các phần tử khí trong không khí, vì thế mà âm thanh sẽ không truyền được đi trong môi trường chân không, một trong những đơn vị cơ bản nhất của âm thanh chính là tần số dao động của âm thanh (thường được ký hiệu là Hz và kHz)

Tai con người có khả năng nghe được âm thanh ở tần số từ 20 Hz đến 20 kHz, tương đương với tần số dao động của âm thanh trong không khí từ 20 đến 20.000 lần trong một giây. Những tần số dao động dưới 20 Hz được gọi là hạ âm, còn trên 20 kHz thì được gọi là siêu âm.



Cá Heo sử dụng sóng siêu âm để giao tiếp với nhau

Để dễ phân biết, chúng ta thường chia dải tần số âm thanh mà con người nghe được ra làm 3 khoảng tần số tương đương với khoảng âm Bass (thấp), Middle (trung), Treble (cao).

- Chúng ta quy ước việc chia 3 dải tần số như sau:

+ Âm Bass là âm thanh có tần số từ 20 Hz đến 500Hz.

+ Âm Mid (Middle) là âm thanh có tần số trong khoảng 500 Hz đến  6 kHz (6000 Hz)

+ Âm Treb (treble)  là âm thanh có tần số trong khoảng 6 kHz đến 20 kHz.

Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết hơn về chúng nhé.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về các dạng tín hiệu âm thanh, và sự khác biệt giữa tín hiệu âm thanh Digital và Analog như thế nào TẠI ĐÂY


1. Âm Bass (dải thấp, âm trầm) là gì? Vai trò của âm Bass trong âm thanh như thế nào?

Bass là dải tần số bị đánh giá sai lệch nhiều nhất, trong âm thanh thì người nghe thiếu kinh nghiệm thường nhầm lần giữa độ sâu và cường độ của âm Bass, rồi thì độ dày và độ tròn trịa của âm Bass. Khi nghe nhạc mạnh từ một dàn loa công suất lớn, củ loa sub trầm kích thước lớn, thì âm Bass cũng chưa thể nói ngay là tốt, lúc này cường độ âm Bass có thể lớn nhưng tần số âm Bass chưa chắc đã xuống được thấp, như vậy thì âm Bass cũng sẽ không gọi là sâu được. Một dàn âm thanh có âm Bass tốt sẽ thể hiện được những tần số rất thấp, Bass xuống rất sâu ngay cả khi ở những mức âm lượng không quá lớn.

Thêm nữa âm Bass có chắc gọn hay không còn phụ thuộc vào tốc độ và độ ổn định của giao động màng loa, với những màng loa có tốc độ nhanh để trở về trạng ban đầu trước khi nhận các tín hiệu âm thanh đưa vào tiếp theo, thì sẽ thường đưa ra một âm Bass chắc và gọn, thêm nữa là vật liệu hãng sử dụng để tạo ra màng loa cũng tạo ra chất âm Bass riêng với độ tròn, mềm, cứng khác nhau.

Điểm đặc biệt quan trọng quyết định chất lượng âm Bass hay hoặc dở còn phụ thuộc rất lớn vào thùng loa, khác với loa Treble thì thùng loa trầm sẽ thường là những ma trận phức tạp, có tính toán tỉ mỉ để tạo ra áp suất khí, cộng hướng âm hợp lý cho một âm Bass dày, ấm, và tròn trịa.

Loa Bass cũng là những củ loa công suất cao, do cần công suất lớn để cung cấp cho các củ loa thể hiện dải âm này, nên việc sử dụng công suất lớn sẽ dẫn đến méo tín hiệu cũng cao hơn, vì thế mà một thiết bị cao cấp là một thiết bị có độ méo tín hiệu thấp nhất khi Volume đạt mức max đỉnh Peak Power.

Dải tần số âm Bass còn được chia nhỏ ra thành 3 mức:

Low Bass (Deep Bass): ~ 20 Hz – 80 Hz

Bass: ~80 Hz -320 Hz

Up Bass (High Bass): ~320 Hz – 500 Hz



Tùy sở thích  mỗi người, và tùy vào thể loại nhạc mà quyết định âm Bass như nào là hay


Ví dụ khi nghe nhạc EDM thì Bass phải chắc, gọn gàng, dứt khoát và có lực nảy. Còn khi nghe nhạc Pop-Ballad, Country thì Bass nên trầm, sâu, dày và đặc biệt phải mềm mại tinh tế.

Đó cũng chính là lý do vì sao mỗi cục trầm (loa Bass) của mỗi hãng lại có chất âm riêng, phù hợp với mỗi thể loại nhạc riêng, chứ cũng không thể đánh giá một cái loa chỉ dựa trên một thể loại nhạc mà bạn hay nghe. Việc lựa chọn loa dựa trên thể loại nhạc mà bạn hay nghe sẽ là yếu tố quyết định rằng cái loa đó hay hoặc không với bạn.

2. Âm Mid (dải trung, trung âm) là gì, và vai trò của trung âm trong âm thanh

Âm Mid có dải tần số từ 500Hz đến 6kHz. Mid là dải tần số phổ biến nhất trong tự nhiên (như giọng nói con người, âm thanh sinh hoạt hàng ngày...) nên đôi tai chúng ta sẽ nhạy cảm nhất với dải âm này, và cũng dễ đánh giá nhất ở dải tần số này, nhưng đây cũng là một dải âm đa dạng nhất tạo nên sự khác biệt giữa nhiều hệ thống loa khác nhau, vì đây là dải âm gợi lên cảm xúc và hoài niệm lớn nhất trong tâm trí mỗi người nghe.



Giọng nói con người thường có tần số ở dải âm Mid

Âm Mid được chia thành 3 loại chính:

Âm trung trầm (Low Mid): ~500Hz – 1kHz

Âm trung (Mid): ~ 1kHz – 2kHz

Âm trung cao (High Mid): ~ 2kHz – 6 kHz


Các dải tần số của âm Mid

Âm Mid được coi là chuẩn khi tái tạo âm thanh một cách rõ ràng, trung thực, thể hiện được sự gai góc, dày dày dặn của giọng nam trầm, hoặc sự ngọt ngào, tinh tế, mượt mà của giọng nữ cao, giúp người nghe cảm nhận được sự ấm áp, mượt mà trong từng nốt nhạc, rõ ràng và chi tiết trong từng âm thanh và đem đến cảm giác dễ chịu khi thưởng thức bản nhạc.

Chính bởi các yếu tố trên mà trung âm sẽ là dải tần số gợi nên cảm xúc nhiều hơn tất cả, một bản nhạc có thể theo hướng mộc mạc, khô và hoài cổ để tạo nên một hoài niệm xưa cũ cho người nghe, nhưng cũng có thể là theo hướng nịnh tai, mượt mà, mềm mại để mang lại âm thanh thư giãn Relax cho người nghe.

Vì vậy là mỗi loại loa trung âm sẽ cho ra những chất âm riêng biệt, và phù hợp với những thể loại nhạc riêng biệt, trung âm thường cần có độ liền mạch vì thế là những củ loa trung dạng loa đồng trục hoặc toàn dải sẽ cho ra chất âm được người nghe đánh giá cao.

3. Âm Treble (dải âm cao) và vai trò của âm Treble trong âm thanh

Treble là một trong các tần số âm thanh rất quan trọng trong hệ thống âm thanh, và luôn song hành cùng âm Bass và âm Mid để cho ra giai điệu bài hát hài hòa. Vậy âm Treble là gì và nó có vai trò như thế nào trong hệ thống âm thanh?

Âm Treb là một dải âm thanh có tần số cao, có tần số dao động từ 6kHz đến 20kHz, hoặc tần số siêu cao ở dải trên 20kHz. Âm Treb được chỉ định để tinh chỉnh âm bổng, giống như tiếng leng keng mà ta nghe được khi gõ vào thanh kim loại, tiếng chuông gió, hay dây si và mí của đàn Guitar,...

Thông thường chúng ta có thể nghe được âm thanh ở tần số từ 20Hz đến 20kHz, nhưng các hài âm bậc chẵn, bậc lẻ sẽ có thể lên dải âm ở tần số trên 20kHz mà con người vẫn có thể cảm nhận được, do đó các nhà sản xuất đã tạo ra các dòng loa có thể phát tới tần số rất cao nhằm kích thích cảm xúc của thính giả khi nghe nhạc.


Con người có thể nghe được âm thanh trong khoảng tần số 20Hz-20kHz

Vai trò của âm Treb trong hệ thống âm thanh:

Có thể nói nếu âm trung là tạo điểm nhấn trong lời hát, thì âm Treb chính là yếu tố quan trọng góp phần tạo ra điểm nhấn nhá trong bản nhạc. Nếu âm Bass có nhiệm vụ dẫn dắt, âm Mid mang đến sự hài hòa, cảm xúc thì âm Treb sẽ là nền cho giai điệu bản nhạc trở nên sống động.

Âm Treb đóng vai trò rất lớn giúp làm tăng độ chi tiết và rõ nét của mọi âm thanh trong một bản nhạc, tiếng sáng hay không, âm thanh lung linh hay không chính là nhờ dải âm này.

Âm treb được coi là hay khi nó không chói hay gắt, thay vào đó sẽ là âm thanh thánh thót và trong trẻo, tiếng tơi ở những nốt rất cao nhờ đó giúp cho giai điệu bản nhạc trở nên hoàn hảo mà không khiến người nghe cảm thấy khó chịu.

4. Tại sao chúng ta không nên điều chỉnh ân sắc (Bass, Treble, Mid) quá nhiều khi nghe nhạc?

- Lý do về sự tôn trọng các kỹ sư âm thanh và nhà sản xuất âm nhạc.
Hiện nay xu hướng nghe nhạc sẽ có thiên hướng về nghe âm thanh trung thực và chính xác nhất về mặt kỹ thuật. Những nhà sản xuất thiết bị âm thanh, những người làm nhạc đã định hình chất lượng sản phẩm của họ, chúng ta là những người nghe thì sẽ cố gắng tôn trọng chất lượng âm thanh mà họ đã làm, tức là cố gắng tái hiện những âm thanh trung thực nhất với những nguồn âm mà nhà sản xuất tạo ra.

Đó là lý do mà những bộ khuếch đại phải đáp ứng được tần số phẳng nhất, để truyền đạt những thông tin, tín hiệu âm nhạc từ các sản phẩm âm nhạc đã được ghi âm, và đưa ra đến loa một cách trung thực nhất, độ méo nhỏ nhất (đảm bảo về biên độ, tần số, pha...)

Trước kia, do kỹ thuật ghi âm chưa được tốt, và do sở thích, quan điểm nghe nhạc, người nghe muốn tùy chỉnh sao cho phù hợp, do bản ghi âm chưa thật sự hoàn hảo. Nhưng hiện nay kỹ thuật ghi âm rất tốt, các bản ghi chất lượng cao nên chúng ta cố gắng duy trì sự trung thực trong việc tái hiện âm thanh. Đó là lý do vì sao những Âm ly hiện đại gần như bỏ qua mạch âm sắc, để đường tín hiệu đi ngắn nhất, tín hiệu trung thực nhất, không gây ra hiện tượng méo tiếng, méo hài, sai về âm sắc, biên độ.



Ampli Goldmund Telos 590 NextGen đã được lược bỏ mạch điều chỉnh âm sắc

- Lý do về vấn đề méo tín hiệu, nhiễu tín hiệu bởi các mạch âm sắc gây ra
Các thiết bị sử dụng ở trên sân khấu hay thiết bị phòng thu, thiết bị chuyên dùng thì vẫn sử dụng mạch âm sắc rất nhiều, vì đấy không phải là tái tạo thuần túy, mà là sáng tạo âm thanh. Ở đây có 2 khái niệm rất rõ ràng, chúng ta là những người nghe, người thưởng thức thì chúng ta tái tạo lại âm thanh trung thực nhất, chính xác nhất với bản thu của nhà sản xuất tạo ra, còn những nhà sản xuất làm việc với âm thanh gốc thì họ là những nhà sáng tạo, sản phẩm cuối cùng của họ sẽ được đưa đến người dùng là chúng ta, nên trong quá trình làm ra sản phẩm, họ sẽ điều chỉnh âm sắc sao cho phù hợp nhất, hoàn hảo nhất.

Ở đây chúng ta không phê phán việc điều chỉnh âm thanh, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với sở thích của mình, phù hợp với dàn âm thanh mà mình đang sở hữu. Nhưng trên góc độ kỹ thuật âm thanh thì việc đưa các mạch âm sắc vào các bộ khuếch đại, điều chỉnh quá tay thì sẽ dẫn đến méo tiếng, không truyền tải được âm thanh trung thực nhất đến người nghe, vì thế mà nhiều thiết bị âm thanh cao cấp dù có mạch âm sắc, nhưng họ vẫn luôn bố trí một nút hoặc công tắc để ngắt mạch này, để giảm nhiễu từ các linh kiện trên mạch này, và để tránh sai lệch tín hiệu gốc khi tín hiệu được đưa qua mạch âm sắc này.

Tuy nhiên để thể hiện âm thanh được chính xác nhất thì chúng ta cũng cần sở hữu những bộ loa và Âm ly đủ tốt, các bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY

Bạn đang xem: Tìm hiểu về Bass, Mid, Treble trong âm thanh, và tại sao không nên chỉnh âm sắc quá nhiều cho dàn âm thanh
Bài trước Bài sau
Tìm cửa hàng
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi tin nhắn cho chúng tôi
99 Hồ Ba Mẫu, Đống Đa, HN 0989 142 688
17 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, HN 0946 142 688
151 Nguyễn Duy Dương, Q10, HCM 0833 122 688
559 Phan Văn Trị, Q Gò Vấp, HCM 0984 522 688
27 Hàm Nghi, Thanh Khê, ĐN 0989 142 668
Giỏ hàng