Cấu tạo loa soundbar như thế nào? Cách soundbar tạo ra âm thanh vòm
Cấu tạo loa soundbar như thế nào? Tại sao soundbar có thể cho ra âm thanh vòm sống động hơn loa thông thường. Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau.
Soundbar là một thiết bị âm thanh ngày càng phổ biến trong không gian giải trí gia đình. Cấu tạo loa soundbar rất đặc biệt để có thể tạo ra trải nghiệm âm thanh sống động và chân thực cho người nghe.
1. Cấu tạo tổng thể loa soundbar
Cấu tạo một bộ loa soundbar đầy đủ sẽ gồm 3 bộ phận sau:
- Loa thanh: đây là bộ phận chính của mọi soundbar, hầu hết âm thanh trong hệ thống sẽ được phát ra từ loa thanh.
- Loa subwoofer: Loa subwoofer hay còn gọi là loa siêu trầm là thiết bị phát ra các âm thanh ở tần số rất thấp như tiếng sấm, tiếng bom đạn, va đập. Có loa subwoofer sẽ giúp âm thanh có độ hoành tráng, rung động và kịch tính hơn.
- Loa vệ tinh: Loa vệ tinh thường đi theo cặp và được bố trí ở phía sau người nghe nhằm tạo hiệu ứng âm thanh vòm chân thật hơn. Loa vệ tinh thường được trang bị trên một số mẫu soundbar cao cấp, hoặc người dùng có thể mua riêng để phối ghép cùng.
Thông thường loa thanh sẽ có dạng thanh chiều dài từ 70 - 120cm, chiều cao từ 5 - 15cm, chiều sâu từ 10 - 20cm. Kích thước có thể lớn hoặc nhỏ hơn tùy theo thiết kế của từng hãng loa. Cân nặng loa thanh thường từ 2-10 kg tùy theo số lượng củ loa và chất liệu vỏ loa.
Loa subwoofer cũng có kích thước rất đa dạng, nhưng thường thiết kế dáng khối, hình chữ nhật hoặc hình vuông. Mỗi chiều từ 20 - 40cm. Loa subwoofer thường nặng từ 3-15 kg tùy theo kích thước và công suất.
Xem thêm: Kích thước loa soundbar - Tư vấn cách chọn soundbar phù hợp
Kích thước loa thanh và subwoofer của soundbar Samsung HW-Q700C
Loa vệ tinh có hai dạng là loa nhỏ để bàn hoặc loa tháp kích thước lớn với chân đế.
Loa vệ tinh dạng nhỏ (trái) và loa vệ tinh dạng tháp (phải)
2. Cấu tạo bên trong loa soundbar
2.1. Cấu tạo loa thanh
Loa thanh là bộ phận quan trọng nhất trong một hệ thống soundbar. Loa thanh thường có một khung vỏ bằng nhựa cứng bên trong bố trí các củ loa, mạch công suất và các linh kiện khác. Ngoài ra, tùy theo thiết kế của từng hãng mà cấu tạo loa soundbar sẽ có phần khác biệt.
Bên trong loa thanh sẽ có ít nhất 2 củ loa hoặc nhiều hơn, tùy vào thiết kế của nhà sản xuất. Các củ loa sẽ được bố trí theo các hướng khác nhau để tạo thành các kênh âm thanh.
Có thể phân chia loa thanh theo cách sau:
- 2 kênh âm thanh: các củ loa được bố trí ở hai đầu loa thanh
- 3 kênh âm thanh: gồm 2 kênh âm thanh ở hai bên và một kênh trung tâm ở chính giữa
- 5 kênh âm thanh: Tương tự như 3 kênh âm thanh nhưng có thêm 2 kênh âm thanh ở hai đầu loa, hắt âm thanh vào tường.
- Có thêm kênh hắt trần: Sẽ có thêm các củ loa hướng lên trên để tạo hiệu ứng âm thanh từ trên cao.
Có một số trường hợp như các mẫu loa Devialet Dione, Beosound Stage có cách bố trí củ loa và cấu tạo loa soundbar đặc biệt hơn theo ý đồ thiết kế riêng của hãng.
2.2. Cấu tạo loa subwoofer
Loa subwoofer thường có thùng loa làm từ chất liệu gỗ hoặc ván ép.
Bên trong subwoofer có 1 củ loa, kích thước từ 12cm đến 30cm, với công suất lớn. Củ loa thường được đặt hướng xuống dưới gầm hoặc mặt trước. Trên loa subwoofer thường có lỗ thoát hơi đặt ở phía trước hoặc mặt sau loa. Khi bố trí subwoofer thì nên lưu ý không để vật cản hoặc tường ở gần lỗ thoát hơi.
Có một số trường hợp đặc biệt như soundbar Denon S516, subwoofer có 2 củ loa ở mặt trước hoặc B&W Formation Subwoofer có 2 củ loa đối diện nhau.
2.3. Cấu tạo loa vệ tinh
Bên trong loa vệ tinh thường có 1 hoặc nhiều củ loa nhỏ để tái tạo âm thanh.
Loa vệ tinh có 2 dạng:
- Loa có dây: Các mẫu loa có dây sẽ cần kết nối và được cấp nguồn từ bộ thu phát sóng hoặc từ loa thanh. Bên trong loa sẽ chỉ có củ loa, còn các bộ phận như mạch khuếch đại, bộ xử lý sẽ đặt ở cục thu sóng hoặc ở loa thanh.
- Loa không dây hoàn toàn: Các mẫu loa vệ tinh không dây sẽ cấp nguồn trực tiếp vào loa. Mạch khuếch đại, bộ xử lý cũng được đặt bên trong.
Ngoài ra loa vệ tinh có thể dùng pin (như các dòng soundbar JBL) hoặc sử dụng dây cấp nguồn (hầu hết các loa vệ tinh hiện nay).
3. Cách loa soundbar tạo ra âm thanh vòm
Cơ chế tạo ra âm thanh vòm của soundbar là một kết hợp giữa cấu tạo của loa soundbar, công nghệ giả lập âm thanh vòm và các công nghệ xử lý tiên tiến của từng hãng loa. Điều này nhằm mục đích tối ưu hóa trải nghiệm âm thanh cho người nghe, đặc biệt là trong việc tạo ra cảm giác âm thanh đến từ nhiều hướng.
Đầu tiên, cấu tạo loa soundbar với cách bố trí củ loa được thiết kế một cách khéo léo sẽ giúp phân phối âm thanh một cách đều đặn ra các hướng, mở rộng không gian âm thanh và tạo ra hiệu ứng vòm mạnh mẽ. Nhờ đó người nghe không chỉ nghe thấy âm thanh từ phía trước mà còn có thể cảm nhận âm thanh phát ra từ trên trần, hai bên trái phải, phía sau.
Thêm vào đó các ông nghệ giả lập âm thanh vòm hư DTS Virtual:X, Dolby Atmos, DTS,...được áp dụng để điều phối vị trí âm thanh trong không gian, mô phỏng cảm giác âm thanh đến từ nhiều hướng khác nhau.
Ngoài ra, mỗi hãng loa cũng có những công nghệ xử lý âm thanh độc quyền, ví dụ như công nghệ Acoustic Beam của Samsung hay Phase Guide của Bose, giúp tối ưu hóa chất lượng âm thanh theo cách riêng biệt.
Loa vệ tinh thực bố trí ở phía sau người nghe cũng là một cách rất hữu hiệu để tạo cảm giác âm thanh bao phủ người nghe chân thực, sống động hơn.
Loa soundbar là một thiết bị âm thanh đa năng, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, đặc biệt là những người yêu thích xem phim và nghe nhạc. Với sự đa dạng về mẫu mã, giá cả và tính năng, loa soundbar có thể đáp ứng mọi nhu cầu và sở thích của người dùng.
Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về cấu tạo loa soundbar, và cách thiết bị này tạo ra âm thanh vòm. Nếu bạn đang tìm kiếm một thiết bị âm thanh chất lượng để cải thiện trải nghiệm xem phim và nghe nhạc của mình, hãy liên hệ ngay với Điện tử Linh Anh để được tư vấn và trải nghiệm trực tiếp hàng trăm mẫu soundbar chính hãng với giá tốt nhất.